Cà phê không chỉ là thức uống phổ biến, mà còn là văn hóa của Việt Nam. “Bữa nào rảnh cà phê nhen” là câu nói cửa miệng của dân Việt. Nhưng tôi tin là đến lúc này, vẫn chưa có nhiều người phân biệt được Americano, Latte hay Cappuccino.
Người Việt Nam chỉ phân cà phê ra làm hai loại: đen và nâu. Đen là cà phê đen, nâu là từ miền bắc, trong nam gọi là cà phê sữa. Nếu sữa nhiều hơn cà phê, thì gọi là bạc xỉu. Bạc xỉu, gọi tắt từ cụm “bạc tẩy xỉu phé” trong tiếng Quan Thoại. Bạc là màu trắng, Tẩy là cái ly không, xỉu là ít (trong tài xỉu) và phé là cà phê. Bạc xỉu là một ly sữa có thêm chút cà phê.
Và thế là hết.
Có rất nhiều thứ đã định hình nên “văn hóa cà phê” của dân Việt. Khi mình còn nhỏ, gần như không thấy ai pha cà phê mà cho thêm sữa tươi vào. Tất cả là sữa đặc hết. Chủ yếu là vì… nghèo. Các quán bán cà phê lại càng không mua, vì chuyện lợi nhuận. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Tây mê cà phê Việt, qua tận nơi uống ly cà phê thì sửng sốt vì lạ lẫm quá. Người Việt uống ly cà phê đã quen với các tính từ quện, sệt, sánh, nếu không thì cà phê ấy không ngon. Mà để có mấy tính từ ấy, người ta phải trộn thêm bơ và bắp vào. Một thời gian sau, ngoài chợ Kim Biên thay bắp và bơ thành hóa chất. Thế là từ cà phê trộn nông sản, chúng ta có cà phê trộn hóa chất.
Sau đó là cãi nhau như mổ bò về chuyện như thế nào là cà phê đúng nghĩa. Anh Đặng Lê Nguyên Vũ, ông trùm ngành cà phê Việt, gọi Stabucks là nước có mùi cafe pha đường. Thực ra, anh cũng chỉ nói lên định nghĩa của đạ đa số dân ta về cà phê xịn. Ly cà phê phải đen thui như dầu nhớt xe máy xài rồi, khi cầm cái muỗng múc miếng cà phê sữa lên thì nó phải sánh, kẹo lại như cà phê trứng mới gọi là đúng điệu.
Nhưng khi các quán cà phê tây xuất hiện, định nghĩa về một ly cà phê xịn thay đổi. Nhờ những quán này, ta biết cà phê đen của ta thì tây nó gọi là Americano, cà phê đen pha đậm đặc gọi là Expresso. Cà phê pha sữa tươi là Flat White. Lấy ly Flat White, chúng ta khuấy bọt sữa rồi bỏ lên trên. Nếu sữa nhiều bọt ít thì là Latte, sữa ít bọt nhiều là Cappuccino. Cũng với thành phần như Cappucino, nhưng nếu đổ sữa vào trước, cho cà phê vào sau rồi mời phủ bọt sữa lên trên thì gọi là Macchiato.
Gần đây, các quán bắt đầu chơi Cold Brew. Thoạt nhìn thì giống ly cà phê đá nhưng đẳng cấp khác xa. Để pha Cold Brew, người ta không dùng nước sôi mà dùng nước lạnh. Lấy nước lạnh ấy hãm cà phê 8-18 tiếng. Hạt cà phê không xay sẽ tiết ra hết tinh túy, rồi mình dùng một bộ lọc chiết nước cà phê ấy ra uống. Mình dân uống cà phê chuyên nghiệp, làm nửa ly Cold Brew say xẩm như say rượu.
Đấy là cách pha cà phê. Còn nói về hạt cà phê, thì nó lại chia làm hai giống là Robusta và Arabica. Robusta có đặc tính như tên gọi của nó (robust trong tiếng Anh là mạnh mẽ) có vị mạnh mẽ, đậm đặc cafein. Arabica ít cafein hơn nhưng thơm hơn nhiều. Nói về chuyện hương vị thì Robusta vị mạnh hơn hương, Arabica thì hương mạnh hơn vị.
Brazil và Việt Nam là hai quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Brazil chủ yếu xuất khẩu Arabica trong khi Việt Nam chủ yếu xuất Robusta. Dân mình mê Robusta vì thói quen ly cà phê phải đậm, mạnh, sánh như đã nêu trên. Nhìn ly Arabica cho ra cái màu nhàn nhạt, cánh gián, dân mình không mê. Nhưng sau khi uống Arabica thì bây giờ mình gần như không uống lại Robusta được nữa.
Vì quận 7 không có RuNam, nên mình hay ghé một quán cà phê do bạn giới thiệu để mua một ly mang đi. Arabica thơm lừng, được chuyển từ Sơn La về. Một ly cà phê pha máy kiểu tây, làm từ những hạt cà phê tuyệt hảo của Việt Nam. Nói về cà phê, chúng ta sẽ nghĩ về Lâm Đồng hay Gia Lai, nhưng hãy chú ý đến cái tên Sơn La, vì nó sẽ đánh thức niềm tự hào Arabica Việt Nam.
Nguồn: Binh Bong Bot