Chiều lưng chừng

Ai từng đi qua những buổi chiều nôn nao? 

Những buổi chiều đầy nắng, vừa bừng tỉnh, và lòng chợt bồn chồn không rõ lý do?

Trong tích tắc, nghe rõ tiếng cô đơn, cái tôi độc nhất xâm chiếm hết mọi ngóc ngách từ tâm trí ra ngoài cánh cửa, bao trùm cả một không gian.

Và tôi nghĩ gì trong giấy-phút-bản-ngã đó?

Tôi nghĩ về ba mẹ mình, cái suy nghĩ mình còn ba mẹ bên cạnh nhanh chóng xoa dịu cái chênh vênh thời cuộc.

Tôi nghĩ về chính gia đình mình, trong những khoảnh khắc như thế, tôi thường nảy ra một ý kiến nào đó mà tôi nghĩ có thể vun vén thêm cho căn nhà nhỏ, gia đình nhỏ này còn cần thời gian và tâm sức để xây đắp vững vàng hơn nữa.

Tôi nghĩ về những con người gần-đây-tôi-gặp: bạn bè, khách hàng, đối tác, anh chị em, hay thậm chí là một người lạ vô tình gặp trên đường. Quy chiếu để thấy mình là ai mình ở đâu trong cuộc đời này, để trân quý khi bản thân vẫn nguyên vẹn ở đây.

Tôi nghĩ về chính bản thân mình, điều gì đã nuôi dưỡng tôi, điều gì làm tôi khác biệt, điều gì có thể xoa dịu thôi, định nghĩa về hạnh phúc,…

—-

Cái khoảnh khắc ấy đến thật nhanh, mạnh mẽ đến mức nếu không khéo đối diện, nó có thể điều khiển và làm tôi nghĩ rằng mình thật đơn độc và mọi con đường phía trước có vẻ thật xa đích đến…

Nhưng nếu lướt qua được sự-hỗn-độn ấy, tôi như được lớn lên, như vừa trải qua một thử thách, và ở trong trạng thái sẵn-sàng-chiến-đấu ngay.

Lý giải cho hiện tượng này, xin trích một chia sẻ từ FB Nguyễn Đình Giang:

1. “Sự hỗn độn” đó cũng là điều mình chứng kiến rõ nhất khi lead một dự án với bản thân mình là quá-đỗi-khủng-khiếp đang được chạy. Nỗi sợ trước một sự hỗn độn của thông tin, của con người, của hệ thống đôi khi dồn con người ta tới chân tường của sự mắc kẹt, không dám nhúc nhích, không biết hành động theo hướng nào, không lối thoát. Trong cái mơ hồ ảm đạm của tương lai, của những điều mới mẻ, cũng không ai dám chắc và có thể định hướng cụ thể cho bạn phải làm thế nào. Những lúc đó, cơn ác mộng Entropy nó kích thích sự lựa chọn phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” (fight or flight response): Chiến đấu đổ máu với sự hỗn độn để tự xác lập trật tự mới, hay Bỏ chạy cong đuôi để quay lại vùng an toàn chăn ấm nệm êm! Rất may là tới giờ mình vẫn còn hơi sức để lựa chọn chiến đấu. Mình nhìn rất rõ cách Entropy nó “trêu đùa”, “ra sức đàn áp” mình thế nào trong công việc mỗi ngày, và cách nó thất thểu khi bị mình chiến thắng vài bận ra sao. Những lúc đó, nhìn nó tội nghiệp lắm 😀

2. Tuy nhiên, cái “khủng khiếp” nhất của Entropy là nó chỉ tăng lên, chứ không giảm đi / The universe is always moving from order to disorder (Ví dụ: tế bào cơ thể cứ ngày càng già & chết, cỏ trong vườn cứ liên tục mọc bừa bãi, bàn làm việc cứ dọn dẹp rồi lại dơ bầy hầy…). Nên con người phải học cách chấp nhận định luật cơ bản này của Entropy như một phần của cuộc sống, để rồi không ngừng bỏ công sức chiến đấu, và liên tục sắp xếp cuộc sống của mình. Lơ là một chút, là nó lại bầy hầy ra đấy thôi. “Nỗi đau” và công sức bỏ ra liên tục cho công việc sắp xếp chính vì vậy mang lại những giá trị cực kỳ hữu ích. Khi thắng được một cấp bậc Entropy, mình lại tự tin hơn một chút, mạnh mẽ hơn một chút, an tâm hơn một chút, và thấy cuộc đời này đáng yêu hơn một chút.

3. Entropy có liên quan gì đến marketing? 

“The problem is, as companies get better at making us pay more attention to their products, we have less time to pay attention to things that matter, that actually make the world a better place”.

Làm sao để người tiêu dùng thoát khỏi “Entropy of choice”/ sự dư thừa và khủng hoảng sự lựa chọn, và mang tới những giá trị thật sự cốt lõi và hữu ích, là nhiệm vụ của brand. Từ đó khái niệm Brand with purpose ra đời đẹp một cách lung linh. 

—-

Đời người càng bừa bộn, càng thấy rõ giá trị của những gì giúp mình hệ thống hóa, sắp xếp mọi thứ lại gọn gàng (app, người thầy, khóa học, sổ tay, v.v…). Nếu không có ai giúp, thì tự mình phải “sắp xếp” cho mình. Với bản thân mình, thì “sắp xếp” luôn là bài toán mệt não, nhưng cực kỳ thú vị của cuộc sống.

.

Còn bạn, bạn có đang băn khoăn trong việc “sắp xếp” điều gì trong cuộc sống của mình không? 😀

Đọc thêm về Entropy & cuộc sống nếu bạn hứng thú nhé: https://jamesclear.com/entropy

Mình rất vui nếu bạn đọc đến đây và cứ thoải mái để lại bất kỳ bình luận nào để cùng giao lưu với nhau nha.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *