Chợ Đà Lạt trong ký ức của Na và Nu là cả một vùng trời hạnh phúc.
Được đi chợ là được mua quần áo mới,
Được đi dạo khắp những gian hàng đầy màu sắc,
Được ghé quán ăn bún thịt nướng, rồi sau là kem bơ hay kem trái cây ở quán Phụng nữa.
Với trẻ con, chừng đó là đủ để hạnh phúc đến vô cùng.
—
Mùa tựu trường, chợ Đà Lạt hiện ra như một nơi “trong mơ”.
Hè đến, Na sẽ lên mẹ phụ bán hàng, bữa nào bán được mẹ cho mấy chục ngàn cất đó, hết hè mang ra đếm, rồi dùng tiền đó mua quần áo giày dép sách vở.
Sướng nhất là cảm giác cầm tiền kiếm được đi mua vải may quần tây, sơ mi trắng và áo len xanh. Năm nào bán khá, sẽ được may luôn 2 áo sơ mi mới, mua 2 áo len mới, một ngắn tay và một dài tay.
Chợ Đà Lạt trong ký ức của Na tuyệt vời như thế.
—
Mẹ hình như quen cả chợ.
Đi đâu cũng có người quen chào mẹ. Quầy nào đi qua mẹ cũng thân quen.
Mẹ bán rau ở chợ từ hồi đi học, sau theo chồng không bán thường xuyên nữa, những những cô ngày xưa thì vẫn tiếp tục, chợ xây lên mỗi người một quầy bán buôn đủ thứ.
Đây cũng là cái chợ lớn duy nhất của Đà Lạt những năm 2000, người ta cần gì đều ra đó cả. Nhưng ở đây bán hơi thách, phải biết trả giá không thì sẽ bị hớ. Bởi vậy nên hầu hết là mẹ dẫn Na và Nu đi, nếu là ba thì ba chỉ ghé chỗ quen mà thôi.
—
Ngôi chợ ấy rất thơm.
Thơm mùi quần áo mới, mùi bánh nướng chỗ sạp vải, mùi bánh mì nóng và bánh ram đường người ta đội trên đầu.
Thơm cả mùi thịt nướng ở hàng ăn, mùi bơ béo ngậy và ngọt ngây của siro ngay góc kem Phụng.
Sau này, thứ giác quan ấy dần mất đi trong những thành viên gia đình, chắc do Na Nu lớn rồi, có nhiều bạn bè niềm vui mới, hay khi cuộc sống đủ đầy hơn, mọi người bớt cái cảm giác thèm thuồng mãnh liệt của thời thơ ấu.
—
Chợ Đà Lạt thực tế còn hai điều rất thú vị.
Một là khu chợ đồ cũ.
Câu nói mà Na muốn nghe nhất là “Ghé chợ sôn coi có gì đẹp không nha con”.
Cái thứ mùi đồ second hand xộc khắp một khu chợ, cùng cái không gian tối như thiếu đèn, nhưng lại cuốn hút đến kỳ lạ.
Những món đồ “độc-rẻ” chỉ có thể kiếm được ở đây mà thôi. Áo gió 20 ngàn, áo thun 10 ngàn, chịu khó lùng sục là có được đồ “không đụng hàng” ngay.
Và hai là chợ đêm.
Nhưng là chợ đêm của 10 năm trước cơ. Chợ đêm khi khu phố đi bộ mới bắt đầu, rẽ vào dãy bán mứt có cô bán hột vịt lộn 3 ngàn 1 trứng, mỗi lần ăn phải ăn 2 trứng, không thì “đang hên nó lộn thành xui” – như lời mẹ nói.
Chợ đêm của ngày đó có bún riêu gánh, hủ tiếu xương phía trong, phía ngoài là dãy dãy cây áo gió áo dạ áo măng tô cũ. Chợ của ngày ấy chưa từng lên báo chí chỉ vì ai đó “chặt chém” hay bán đồ kém chất lượng.
Cả hai thứ ấy bây giờ không còn nữa, và mãi mãi không thể tái hiện lại nữa.