Chùa Linh Quang với Na là những ký ức không thể nào quên.
Hơn cả kỷ niệm, đó còn là tri ân.
Hơn cả một ngôi chùa, đó là niềm tin và sự trân quý.
Nu được 4 tuổi thì mẹ không đi bán ngoài chợ nữa.
Lúc ấy khoảng cuối năm 2001, ngôi chùa đối diện nhà bỗng dưng xây dựng hàng loạt, mà điển hình là con Rồng dài 100m, đây cũng là con Rồng đâu tiên to lớn như vậy được xây dựng ở Đà Lạt. Kể từ đó, chùa Linh Quang còn được người ta gọi là chùa con Rồng, và tiếng lành đồn xa, khách du lịch khắp nơi đổ về chùa.
Mỗi ngày đều đặn hai đến ba chiếc xe du lịch 45 chỗ chở khách đến tham quan và cầu nguyện, cả một góc phố bỗng nhộn nhịp hẳn lên.
Và mẹ quyết định sẽ mang gì đó lên bán dưới đường đi lên chùa.
Mẹ bắt đầu bằng những chậu sen đất.
Nhờ người quen giới thiệu, mẹ đến vườn mua từng chậu sen đất, chậu nhỏ 3 ngàn, chậu trung 5 ngàn, chậu lớn 10 ngàn, chậu có bông 12 ngàn. Mỗi sáng mẹ vừa tay vừa nách kẹp từng chậu sen cổng chùa bán. Mỗi chậu bán được sẽ lời 2 đến 3 ngàn, mỗi ngày chục chậu là có được bữa cơm đàng hoàng.
Ông Trẻ lúc bây giờ là hiệu trưởng trường Trưng Vương, thấy mẹ mang từng chậu sen vất vả mà phải đi nhiều vòng, ông lấy cái rổ sắt trước dùng để đóng la ghim chế cho mẹ một chiếc xe đẩy, gắn thêm 2 bánh xe ở dưới và một cây gỗ dài để đẩy đi như chiếc xe rùa chở cát ở mấy chỗ xây nhà.
Thế là thay vì đi lên đi xuống chục vòng, nay mẹ chỉ cần cho hết sen vào chiếc xe và đi một hai vòng là chuyển được hết cây đi bán.
Ông Trẻ thật tuyệt vời.
Chùa lúc đó đang thời thịnh, người ta cúng dường rất đông.
Chùa xây thêm mẹ Quan Thế Âm đứng trên lưng rồng, rồi cả một khu vườn tiểu cảnh dựng cảnh Phật ra đời, hành trình tu hành đắc đạo.
Cứ thế mà khách du lịch càng lúc càng đông. Kéo theo là loạt người đến buôn bán, như mẹ.
(Mẹ và những cô chú thời còn bán dưới đường lên Chùa)
Những ngày đầu bán sen, chỉ có mẹ và vài ba người khác, nhưng một năm sau thì số người lên chùa bán đếm không xuể, bạt trải kín cả hai bên đường đi bộ lên. Những ngày hè sức nóng còn tăng gấp đôi, ngày nào cũng có công an lên dẹp trật tự.
Mẹ không bán sen nữa, có vốn, mẹ chuyển sang bán áo thun Đà Lạt.
Thứ đồ thun trắng có in chữ Đà Lạt và hình là những thắng cảnh. Vậy mà người ta mua đông lắm. Lên Đà Lạt mua bộ đồ làm quà, hay mua cái áo thun có in chữ Đà Lạt bận thì không chê vào đâu được, vừa là kỷ niệm vừa tiện lợi nữa.
Lúc đó Na đã học lớp 2, nghỉ hè cũng lên phụ mẹ buôn bán.
Mẹ sắm cho Na một khay búp bê.
Búp bê lên ông Hoành trên chợ mua, rồi tối về mẹ móc áo cho búp bê, những chiếc áo đầm bằng len móc bé xinh xinh, thêm cái mũ cùng màu nữa. Na đợi xong áo thì mặc cho búp bê, sửa soạn khoảng một hai chục con xếp vào túi nilong đen, chuẩn bị sáng mai bày ra bán.
Đó là công việc đầu tiên của Na, công việc đầu tiên và hạnh phúc nhứt đời.
Khi tiểu thương tụ tập quá đông, ngôi chùa bỗng trở nên hỗn loạn.
Nào bạt trải, nào chào mua, nào những âm thanh buôn bán. Chính vì thế nên nó bị phản ảnh, và thầy Trù Trì quyết tâm dọn dẹp hết, để đường thoáng cho khách lên tham quan.
Thầy xây 6 quầy, mỗi quầy 16m2 và cho thuê. Là người buôn bán đầu tiên, lại gần nhà, mẹ được thuê 1 quầy trên đó.
Lần đầu được có hẳn một nơi buôn bán có tường có cửa có mái che, mẹ vừa vui mừng vừa lo. Mẹ lo không biết tiền đâu mua hàng bỏ đầy cái quầy lớn như thế, và lỡ không bán được tiền đâu trả tiền thuê quầy.
Mẹ bán 3 chỉ vàng duy nhất trong nhà lúc đó, lấy tiền đi đóng cây treo, mua tủ trưng và mua áo len về trưng lên, dì Út khi đó đang học đại học nghỉ hè về treo phụ mẹ. Na thì cứ lăng xăng lau cái tủ kính cũ, trưng búp bê của mình trong đó.
Lần đầu treo áo lên hết, quầy vẫn còn trống trải do hàng không nhiều. Dọn dẹp sạch sẽ, hai mẹ con đóng cửa quầy mà mắt rưng rưng xúc động, mọi thứ cứ như một giấc mơ, giấc mơ rất rất gần.
Và đó cũng là lúc cả nhà được đổi đời.