Một cuốn sách dành riêng cho thế hệ cuối 8X đầu 9X – thế hệ lưng chừng, già không già trẻ không trẻ, truyền thống thì không chính xác lắm những hiện đại thì cũng chưa hẳn.
Mở đầu bằng một “đặc điểm nhận dạng” rất gọn gẽ và đầy hình ảnh của thế hệ này, đó là thói quen nghe nhạc: Sáng mở Micheal Jackson, chiều đọc Kênh14 nghe K-pop, tối về nghe nhạc Bolero cùng bố mẹ ông bà!
Đây chính xác là một cuốn tản văn với những câu chuyện được tác giả góp nhặt và sắp xếp theo một chủ đề xuyên suốt. Những câu chuyện rất đỗi bình thường xoay quanh vấn đề học hành, đi làm, yêu đương, những chuyến đi xa nhà. Điều hay ho là tất cả được kể bằng ngôn ngữ của thế hệ lưng chừng ấy, để được bộc bạch những gập gềnh của khoảng cách giữa hai thế hệ, những chênh vênh của tuổi đôi mươi. Sau những dằn vặt của những lần vấp ngã, là dũng cảm đứng lên đi tìm kiếm niềm tin riêng cho mình, để có thể tự tin sống hiên ngang và trọn vẹn.
Đặc biệt, những ai đã từng là fan của Hoa Học Trò chắc chắn sẽ nhận ra thứ ngôn từ và hình minh hoạ rất “signature” trong cuốn sách này – do đây là một ấn phẩm của H2T.
Bản thân là người có “biết” tác giả ngoài đời, nhiều lúc tôi vẫn bật cười và không khỏi giật mình khi đọc những câu chữ trong cuốn sách. Huy là người cực kỳ kỹ tính, nếu như không muốn nói là khó tính (thậm chí khó chịu), lại hay cầu toàn – muốn cái gì cũng hoàn hảo và có thói quen quan sát và ghi chép về mọi thứ xung quanh rất thường xuyên. Có lẽ vì thế mà những chi tiết dù nhỏ nhưng “đắt” được đưa vào khiến câu chuyện gần gũi nhưng sâu sắc và thiết thực.
Một cuốn sách viết về tuổi trẻ, nhưng trầm lặng và có phần thô ráp chứ không sôi nổi như những cuốn sách thông thường về chủ đề thanh xuân.
Nói theo cách của tác giả, là mong muốn độc giả sẽ tìm thấy cái-gì-đó-xài-được trong cuốn sách này. Cảm ơn tác giả vì tôi đã tìm thấy những điều nhỏ nhoi khiến tôi phải ngồi xuống nghiêm túc suy nghĩ và chiêm nghiệm về mình.
Chúc bạn cũng tìm-thấy-cái-gì-đó-xài-được ở “Đâu đó vẫn có tình yêu”.