Một trong những may mắn ở tuổi đôi mươi của mình là được đọc cuốn Dạy con là giàu của Robert Kiyosaki. Đó cũng là lần đầu tiên mình được biết và khám phá bài học về đầu tư.
“Đầu tư” là từ nghe kiểu hơi hoành tráng 😀 kiểu cái gì đó nhiều tiền và so high. Với một người lớn lên ở Đà Lạt, ba mẹ làm nhà nước và kinh doanh nhỏ, tất cả những gì mình biết về tiền bạc là sẽ đợi ngày đầu tháng lãnh lương, mẹ sẽ trang trải cho chi phí hằng ngày, cho tiền mình đóng học phí, đóng huê, mua những món đồ cần thiết, dư ra thì cất đó lỡ có chuyện gì cần chi. Thường thì cuối tháng số tiền đó sẽ hết, có lúc thâm hụt, lâu lâu đư được vài trăm thì ba mẹ cất tủ để dành.
Cái cảm giác cất tiền vào tủ nó sướng kinh khủng 😀 Cái cảm giác biết mình có tiền – có cái gì đó chắc chắn phía sau nó làm con người tự tin hẳn lên 😀 Lớn lên với những cảm giác đó, mình càng quyết tâm phải học thiệt giỏi, đi làm có nhiều tiền và cho ba mẹ xài thoả thích luôn :))))) (Chắc các bạn ở đây đều có những ước mơ như thế)
Thực tế thì mình cũng thực hiện được phần nào ước mơ đó, có điều cuối tháng mình thường không còn đồng nào nữa, và một hôm mình tự hỏi ủa rồi khi nào mình mới “dư”? – khoảnh khắc đó những gì cuốn sách Dạy con làm giàu lại xuất hiện và thay đổi cách tư duy cũng như tiêu xài của mình.
Mình chia sẻ ở đây 3 bài học lớn nhất mình học được:
- Đầu tư vào bản thân là deal luôn luôn sinh lời.
Đừng nghĩ “đầu tư” là cầm tiền rồi đi bỏ chỗ này chỗ kia, xong ngồi chờ tiền sinh tiền như phim. Xa xỉ và phi thực tế lắm. Hãy bắt đầu bài học đầu tiên về đầu tư: Đầu tư vào bản thân, mà theo tác giả thì đây là phi vụ “không bao giờ lỗ”.
Đầu tư vào bản thân là đầu tư cho: kiến thức, kỹ năng, sức khoẻ, trí tuệ. 30% thu nhập mỗi tháng cần được dành cho khoảng đầu tư này, bằng việc đọc sách, tập thể thao, tham gia các khoá học chuyên môn, làm vốn để chạy các dự án cá nhân.
Có một chi tiết Robert chỉ ra những mãi sau rất rất nhiều năm mình mới nghiệm ra cái sâu sắc và chính xác của nó: Những gì bạn làm trong 20% khoảng thời gian một ngày từ 8-10h tối sẽ quyết định 80% tài sản của bạn sau 5 năm.
Trừ phi bạn có điều kiện sẵn, bạn cần phải có một công việc ổn định để có thể sống được. Thời gian từ 9h sáng đến 6h tối bạn dành cho việc kiếm tiền, và 8-10h tối là khoản thời gian bạn dùng để đầu tư cho cá nhân. Dùng để ngủ/ coi tivi/ đi chơi/ đọc sách/ làm dự án cá nhân,…là do bạn quyết định. Và những gì bạn làm trong khoảng thời gian đó sẽ kết nối rất lớn với phần lớn những gì bạn có được sau vài năm nữa.
- Đầu tự vào tài sản, không phải tiêu sản
Tiêu sản được tác giả định nghĩa là những gì sẽ mất đi một phần hoặc toàn bộ giá trị sau khi bạn mua nó, vd như túi xách hàng hiệu, điện thoại đời mới, cà thẻ tín dụng chẳng hạn. Còn tài sản là những gì sẽ giữ nguyên hoặc tăng thêm giá trị sau khi bạn sở hữu nó, có thể là nhà, đất, doanh nghiệp, tài sản trí tuệ.
Đầu tư vào tài sản thì khi ngủ mọi thứ vẫn ở đó hoặc tăng giá trị lên. Còn đầu tư vào tiêu sản thì mỗi ngày giá trị càng giảm.
Đến đây thì câu hỏi là: Ủa tiền đâu đầu tư tài sản trong khi còn một mớ thứ phải chi tiêu :))) thì câu trả lời là: phải kiếm tiền nhiều hơn, hoặc xài ít đi, quay lại bài học 1, đầu tư vào bản thân, kiên trì tích luỹ, tích tiểu thành đại.
- Đầu tư vào các mối quan hệ
Trong một bài báo tên gì mình quên mất, có một ý rất hay: Các doanh nghiệp vận hành tốt và trơn tru thì 80% là do tài năng của đội ngũ lãnh đạo. Nhưng để các doanh nghiệp đó có bước đột phá/ nhảy vọt thì 80% là do các mối quan hệ từ BOD. Nghĩa là bạn giỏi rồi thì ok sống được rồi đó, nhưng để giàu thì cần có những mối quan hệ xã hội nữa.
Bạn sẽ là trung bình của 5 người mà bạn dành thời gian nhiều nhất. Vậy nên, hãy bao vây mình bởi những người mà bạn cho là bạn học hỏi được nhiều nhất.
Đừng ngần ngại, cứ tiến lên!
Ảnh header: Isha Foundation