Gần đây mình nhận ra có một kỹ năng rất cần trong việc phát triển bản thân và quá trình tìm thấy niềm vui đích thực, nhưng ít khi được đề cập, đó là khả năng làm điều mình không thích.
Điều mình không thích có thể là:
- Việc mình cảm thấy đơn giản, và nghĩ bản thân không cần phải làm. Ví dụ như việc tổng hợp các báo cáo chẳng hạn.
- Việc mình thấy nhàm chán. Ví dụ như việc làm hợp đồng chẳng hạn, những công việc như điền tên, chỉnh nội dung cứ lặp đi lặp lại, và cảm thấy không thích làm nó.
- Việc mình cảm thấy không thực hiện lúc này cũng không ảnh hưởng gì. Ví dụ như việc vận động, ăn uống có kiểm soát, đi ngủ đúng giờ.
- Việc không quen thuộc với hiểu biết hằng ngày. Ví dụ như được giao một nhiệm vụ mới mà phải bắt đầu tìm hiểu từ đầu.
- Việc mà khi làm nó có thể lộ ra điểm yếu của bản thân.
Phải phân biệt giữa việc làm việc mình không thích như một cơ hội để phát triển, với việc làm việc mình không thích vì bị chèn ép/ đe doạ. Nếu là việc ở ý số 2, hãy dừng ngay lập tức!
Đâu đó mỗi thời điểm bạn sẽ có cái cảm giác đó: không thích, nhưng vẫn phải làm. Nếu ở độ tuổi 20, có vẻ là mình sẽ dừng luôn và không làm nữa, đẩy cho người khác hoặc thôi nghỉ, nhưng rồi một ngày mình nhận ra vẻ đẹp của cái việc không thích, những vẫn phải làm đấy:
1. Làm điều mình không thích là một kỹ năng
Và là kỹ năng quan trọng để cho chúng ta 2 thứ:
- Sự can đảm khi dám bước vào thế giới “không biết”
- Nuôi dưỡng cảm giác hạnh phúc dài lâu và thật sự. Khi mọi thứ có thể được hoàn thành quá dễ dàng hoặc khi chỉ chọn việc dễ, bạn không có cảm giác chinh phục những cái mới. Việc cho phép mình làm những điều có vẻ là không thích, kích hoạt những hiểu biết mới và cho bản thân cơ hội tìm kiếm điều gì thực sự là điều mình làm tốt. Điều này rất quan trọng trong việc khám phá và phát triển bản thân, trong hành trình hiểu chính mình.
Việc làm điều mình không thích là nấu ăn đã mở ra cho mình một thế giới về Cooking Joy cũng đến từ đây.
2. Thừa nhận với bản thân rằng mình không thích
Không thích là không thích, đừng bắt bản thân phải thích. Đơn giản là bạn biết rằng có những thứ bạn không hề thích làm chút nào, kiểu như ngồi nhậu/ tụ tập quá lâu/ tập luyện.. nhưng bạn sẽ làm ở một chừng mực và xác định những kỳ vọng phù hợp (ví dụ xác định kỳ vọng để gặp gỡ/ kết nối/ thư giãn chứ không mong đợi phải làm hay nhận được gì đó), để bản thân không bị ép/đuối/ kiệt sức khi phải làm những điều mình không thích.
3. Cảm giác sau khi hoàn thành
Đây có lẽ là điều quan trọng nhất ở mỗi “thử thách” làm điều mình không thích, là cảm giác được unlock một điều mới, một hiểu biết mới, và cho bản thân cảm giác hài lòng vì những giá trị và nỗ lực thực sự.