Hiểu chính mình

Note này được viết qua việc tiếp xúc với những bạn ứng viên mới hầu như mỗi ngày, và làm việc với nhiều người khác nhau, đôi khi mình tự hỏi điều gì làm những bạn cùng năm sinh, cùng xuất phát điểm, cùng một công việc, nhưng sau 3-6 tháng lại có những khác biệt rõ rệt. Hoặc điều gì khiến những bạn cùng ứng tuyển vào 1 vị trí, cùng muốn làm một công việc, nổi bật hơn. Hoặc trong bối cảnh mọi thứ đều dễ dàng tiếp cận như thế này, mình sẽ tập trung nuôi dạy điều gì ở con cái.

Và một trong những câu trả lời chính là việc hiểu chính bản thân mình.

Nghe có vẻ đơn giản!

Định nghĩa “hiểu chính mình” thật ra cũng đơn giản: hiểu mình là ai, mình làm tốt điều gì, mình thích được làm gì & ước mơ điều gì.

Nhưng hoá ra hành trình trả lời những câu hỏi này lại không đơn giản!

Chúng ta được dạy đầy đủ các môn học, học thuộc không ít thứ, nhưng lại ít được dạy cần nhìn vào bên trong, và nhìn vào bên trong như thế nào. Chúng ta cũng ít được khuyến khích thử và sai, có thói quen nhìn lại trải nghiệm của mình, và tư duy về những gì mình mong muốn chứ không phải xã hội muốn.

Và đặc biệt, hành trình hiểu chính mình là luôn tiếp diễn, chính những quan sát từ bên trong sẽ củng cố thêm niềm tin của một người, để họ tự tin đi trên chính đôi chân và con đường của mình.

Bản thân mình xem việc hiểu chính mình như một niềm vui, sự khám phá, và để kết nối những gì mình đã làm và sẽ lựa chọn làm. Một vài cách mình áp dụng để khám phá bản thân:

  • Learning-time, một thói quen được duy trì khá lâu, và là một công cụ hữu ích nhất theo mình đánh giá để biết mình thích gì, giỏi gì, muốn điều gì.
  • Đọc sách về tiểu sử, xem phim về nhân vật, có những nhân vật khiến mình rất say mê & có cảm giác bản thân giống giống người đó, thì sau đó mình sẽ đi tìm hiểu về các sự kiện/ các lĩnh vực có ảnh hưởng đến người đó, như một tham chiếu về những cái có thể mình sẽ khám phá trong tương lai.
  • Dám-nhận-sai. Đôi khi chỉ một chút can đảm thừa nhận điều gì đó mình làm không tốt/ không giỏi/ không thích, thì đã mở ra rất nhiều những lựa chọn khác để mình tìm thấy bản thân mình tốt hơn trong đó.

Kết quả của việc hiểu chính mình, khi phản ánh vào cuộc sống và công việc, có lẽ là việc người đó tự tin với nhịp độ cuộc sống của mình.

Khi đã biết mình muốn gì, thích làm gì, giỏi điều gì, người ta thường có một sự tự tin để dấn thân vào sự lựa chọn của mình, cứ thế và đi, tiết kiệm rất nhiều thời gian công sức cho việc “dò đường và hoài nghi”.

Thật sự là mỗi người có một nhịp độ cuộc sống khác nhau. Quan sát những em bé sinh thiếu tháng (trên 32 tuần), sau cùng mình vẫn thấy ở đó là một em bé phát triển bình thường, vẫn đi nói chạy nhảy. Tuy nhiên quá trình lớn lên của em có chậm hơn một chút so với các bạn sinh-cùng-thời-điểm, khiến gia đình rất lo lắng và căng thẳng. Có những người lấy chồng sinh con ở tuổi 20, và có những người làm chuyện tương tự ở tuổi 30 – và thường sẽ có nhiều năm nghe lời “giục” hay lời khuyên cần làm thế này thế này. Cần sự bình tĩnh và hiểu bản thân, rằng điều gì khiến mình thật sự hạnh phúc và muốn được dấn thân, thay vì chạy theo tiêu chuẩn của một ai khác.

Hiểu chính mình, dám thử – dám sai – dám nhận, để biết mình làm tốt điều gì và thích được làm gì.

Mình rất vui nếu bạn đọc đến đây và cứ thoải mái để lại bất kỳ bình luận nào để cùng giao lưu với nhau nha.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *