Huế những ngày tháng 11 mưa ròng không làm nhòa đi tiếng “Dạ thưa” ngọt chết người của con gái Huế, cũng như không làm nhạt đi hương vị trong những món ăn Huế cầu kỳ.
Phải nói ngay về con người Huế, và đặc biệt là con gái Huế, với chất giọng rặt chất vùng miền không thể lẫn vào đâu được cất lên mỗi khi tôi hỏi đường hay hỏi thăm một địa điểm nào đó, 3 ngày thang thang hết đường phố này đến đường phố khác, y như rằng mỗi khi con gái Huế nhẹ nhàng”Dạ thưa” là ngay lập tức tôi chất ngất theo đó. Hèn chi ai cũng bảo lấy vợ người Huế là có phúc lắm. Quá ấm áp, quá thân thương, quá dễ mến! Như vậy thì làm sao để thôi yêu Huế đây?
Ai đó có nói 9/10 người đến Huế là để thưởng thực ẩm thực nơi đây, vốn rất đa dạng và là một nền văn hóa ẩm thực của nước nhà do ảnh hưởng bởi phong cách cung đình xưa. Thế nên tôi cũng có riêng cho mình một danh sách các địa điểm thưởng thức những địa điểm để thưởng thức, may mắn được xây dựng và sự hỗ trợ của một người bạn là “thổ địa” nơi đây
Tôi đã thưởng thức hết những địa điểm này, và thật không có gì để phàn nàn! Có than phiền thì có chăng nhiều món ngon quá làm về đến nhà cân nặng đã tăng đáng kể.
Người Huế nấu ăn không phải để ăn no, mà là để thưởng thức hương vị. Tôi bất ngờ thích thú trước sự cầu kỳ của các món ăn nơi đây, dù chỉ là một tô cơm Hến giá 12 ngàn hay tô bánh căn 15 ngàn, bưng ra cùng món chính là vô số chén nhỏ đựng nước chấm, ớt, chao, chanh, rau,…. Họ không gom vào một, họ để riêng lẻ từng gia vị nhỏ, khách ăn cứ thế thêm thắt cho hợp vị, rồi nhâm nhi từ từ chua ngọt mặn nhạt. Đồ ăn đã ngon, lại còn rất rẻ, một món ăn trung bình chỉ 12-15 ngàn, bày dọn linh đình, ăn uống no say rồi tròn xoe mắt tính tiền, hỏi đi hỏi lại cô/chú tính có lộn hông. Lý do nào để không thưởng thức ẩm thực Huế đây?
Huế có thức bia Huda nổi tiếng, quán nào người ta cũng uống Huda, đường phố thì đẽ bắt gặp hình ảnh hai bà người già nhâm nhi cây chả cây nem bên những lon Huda xanh trắng. Một nét rất riêng.
Anh bạn cùng công ty có mách nước trước đến Huế nhớ ra cầu Trường Tiền thưởng thức bánh mì đêm, thật không uổng công đi vòng vòng từ 6h đến 8h tối để được nếm thử “local food” này, vì quán 8h mới dọn hàng ra, 1 ổ từ 7k đến 12k, tùy loại nhân. Ổ bánh mì nhỏ, bỏ thịt nướng, chả lụa, thậm chí cả bánh bột lọc, thêm vài cọng rau răm, trước khi đến tay khách thì đươc hơ trên lửa than do giòn. Cắn một miếng, rồi hơ hơ tay trên mớ than đỏ, thấy đời sao mà…. sướng.
Cứ thế, tôi không còn nhớ thức ăn Huế ăn chỉ để thưởng vị hay gì nữa, chỉ biết mình là tín đồ ruột của bánh mì, và sao ổ bánh nhỏ quá, nhân ngon quá, ăn mau hết quá,… và ăn luôn 3 ổ..
Cũng tại đây, chúng tôi có một khám phá khá hay ho về ngôn ngữ vùng miền, người Huế không gọi bánh mì nhân đầy đủ là “thập cẩm” như miền Nam hay gọi, mà gọi là “lộn xộn” : “cho con ổ bánh mì lộn xộn”. Đọc câu này mà nhại tiếng Huế, bạn sẽ thấy điều thú vị 😀
Thêm một từ vựng nữa, đó là “nói trạng”, người dân hay nói “đừng có trạng nhe” thay vì người Nam quen nói “đừng có đùa nhé”
Hồi lâu xem Paris By Night Nguyễn Ngọc Ngạn có nói về Huế bằng mấy câu thơ:
“Đường vô xứ Huế loanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Yêu em anh chẳng dám vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”
Nhờ bạn đồng hành sực nhớ ra Tam Giang nên kịp đến đây ngay lúc mặt trời trên đỉnh đầu, trưa nắng chang chang và gió thổi như muốn nhấc cả người lên. Tam Giang không còn nguy hiểm với hào chông như thơ xưa vẫn nói nữa, nhưng vẫn còn rất hoang sơ, đường đi hẹp và kẹp ở giữa mênh mông sóng nước mây trời
Tam Giang trả lại mình về Sài Gòn đen nhẻm, và lấy đi của mình nhiều cảm xúc lẫn lộn không viết nên lời, về những chiếc thuyền úp ngược, về những ngôi nhà lụp xụp, về những con người da cháy nắng lùa vịt giữa nắng trời chói chang….
Vì cùng đường với Phá Tam Giang là ra biển Thuận An, nên tôi cũng cố chạy tới, nhưng biển tháng 11 sóng rất to, không 1 ai tắm cả, chỉ nghe mùi nước biển mằn mặn đâu đây, cùng cái nắng gắt bắt đầu bắt vào da thịt.
Đêm cuối ở lại Huế, tôi ghé phố Tây trên con đường Phạm Ngũ Lão, vào một quán Beer Club, và lần đầu tiên trong 21 năm tôi gọi… bia, một chai Festival đúng Huế, khui nắp, và cứ thế đưa vào miệng uống. Lén nhìn xung quanh, các bạn Tây bạn Việt đều như mình cả, chỉ là mình quá khuôn khổ đó thôi.
Đó là lần đầu tiên tôi uống bia ngoài đường, vì tôi có tật đỏ mặt mỗi khi có hơi bia trong người, mà con gái như thế thì trông xấu xí lắm. Nhưng đêm đó, tôi lại thấy điều đó chẳng có gì quá to tát, uống hết chai, đi bộ về lại Hương Giang, rồi lăn ra ngủ khì, cảm giác tự do tự tại lâng lâng khắp người.
Cứ để tôi sống những ngày như thế, với nhiệt huyết, với đam mê, với rung động, với tự do.
Cảm ơn, Huế.