Việc sống bình thường mỗi ngày hay đón nhận cùng một sự kiện với những người khác nhau thật sự có những màu sắc và trạng thái khác nhau. Note này để ghi chép những điều ngẫm nghĩ của mình qua quan sát từ những người xung quanh, về cách những con người lựa chọn để sống trong trạng thái “hạnh phúc” có điểm gì chung.
Định nghĩa hạnh phúc trong ghi chép này được hiểu là trạng thái an tâm, vui vẻ, tràn đầy năng lượng để đón nhận bất kỳ việc gì.
1. Đủ đầy chưa chắc đã an tâm
Rất nhiều người mình biết có đầy đủ những gì họ cần và xã hội trông đợi, nhưng họ không hạnh phúc. Đơn giản là họ không ở trong trạng thái thoã mãn, an yên. Họ hoặc là:
- muốn nhiều hơn nữa, hoặc
- cảm thấy trống rỗng
Những người muốn nhiều hơn nữa vẫn hạnh phúc hơn những người cảm thấy trống rỗng, ít ra thì họ vẫn có một mục tiêu để chạy theo nó. Còn những người cảm thấy trống rỗng là những người ở trong một mớ lộn xộn, chưa định hình được giá trị của mình, và chưa biết cách thoát ra nó như thế nào.
Cùng một cặp vợ chồng hoặc anh chị em ở chung 1 gia đình với các điều kiện vật chất như nhau, không phải ai cũng hạnh phúc như nhau.
2. Hạnh phúc là một năng lực cần được học mỗi ngày
Hoá ra để hạnh phúc chúng ta cần học.
Những câu “chúc bạn hạnh phúc” hay “trăm năm hạnh phúc” nghe rất hay rất đẹp, nhưng như thế nào để hạnh phúc hay hạnh phúc theo định nghĩa nào thì có thể tồn tại 2 quan niệm khác nhau giữa người chúc và người nhận.
Chúng ta cần tĩnh tâm và cho phép mình được thử và sai trong quá trình tìm kiếm như thế nào là hạnh phúc. Liệu mua sắm có phải là một thứ hạnh phúc? Liệu du lịch mỗi tháng một lần có phải là hạnh phúc? Liệu chi tiền cho một bữa ăn ngon có phải là hạnh phúc?
Mỗi người sẽ có những sự việc hoặc hành động dẫn đến trạng thái an yên hài lòng khác nhau, và chỉ bằng cách thực sự trải nghiệm, người ta mới tìm ra được chính xác thứ hành động hay quyết định nào sẽ khiến mình hạnh phúc.
Để xác định được một việc có mang đến hạnh phúc hay không rất đơn giản:
- Điều đó khai phá trong bạn sự hứng khởi lâu dài, và
- Bạn thật sự yên tâm khi lặp lại hành động đó nhiều lần mà không lo nghĩ gì
3. Để hạnh phúc, việc đầu tiên phải hiểu bản thân mình
Những đứa trẻ hiểu chính mình, hoặc những người lớn xác định được rõ ràng điểm mạnh điểm yếu hay giá trị của mình thường dễ dàng hạnh phúc hơn.
Trước khi bắt đầu với một loại bài học về hạnh phúc, việc đầu tiên là hãy hiểu rõ chính mình, mình làm được gì, mình có gì, mình muốn đi đến đâu.
4. Sống có mục đích
Một kim chỉ nam ở mỗi giai đoạn cuộc đời là thứ cần phải có trong hành trình dẫn đến trạng thái hạnh phúc. Bạn không thể hạnh phúc khi không biết mình đang tìm kiếm điều gì trong cuộc đời.
5. Những điều quen thuộc có thể bào mòn hạnh phúc
Những thứ quá quen thuộc như vợ chồng con cái, hay một công việc quá lâu mà không có sự đổi mới có thể làm giảm mức độ hạnh phúc từng có. Thế giới đổi thay, thời gian trôi từng giờ, ai hay vật gì cũng cần có sự đổi mới và vận động để thích nghi với chính cuộc sống của mình.