3 điều tôi học được từ Phạm Thành Long về lãnh đạo

Tôi tham gia khoá học “Lập trình vận mệnh” của diễn giả Phạm Thành Long nhờ cơ duyên từ một người anh với một chiếc vé miễn phí.

Nếu nó không miễn phí, chắc chắn tôi đã không bỏ ra vài triệu để tham dự hội thảo của một diễn ra hơi “điều qua tiếng lại”.

Nhiều người chỉ trích anh ấy, nhiều người lại tự hào nhờ anh ấy giúp sức họ đã thành công. Riêng ý kiến cá nhân tôi, sau khi tham dự khoá học: cứ thử tham dự và xem những giá trị mang lại có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không, rồi hẵn kết luận.

Tôi không đề cập ở đây những gì có trong khoá học hôm đó (hình như có quy định bản quyền cấm chia sẻ nội dung), tôi chỉ biết nó có giá trị, đối với tôi!

Tôi quan sát cách Phạm Thành Long chia sẻ những câu chuyện kinh doanh, cách anh ấy phối hợp với đội nhóm của mình, và rút ra được 3 bài học về lãnh đạo cho mình:

1. Nhìn rừng thấy cây, nhìn cây thấy rừng

Lãnh đạo là người có khả năng bao quát toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, từ lên chiến lược với ban quản trị đến thực thi chi tiết với cấp nhân viên nhỏ nhất.

Dù không trực tiếp gọi điện chăm sóc khách hàng, thiết kế catalog bán hàng, nhưng họ hiểu những chi tiết đó đang nằm ở đâu trong bức tranh toàn cảnh họ vạch ra.

Phạm Thành Long bao quát hội trường, kiểm soát sân khấu và kịch bản hoàn toàn xuất sắc. Khi có sự cố bất ngờ phát sinh, anh ấy gọi ngay tên của người phụ trách, hướng dẫn ngắn gọn cách để khắc phục, và bùm, 2p sau mọi chuyện lại vào vị trí.

Phạm Thành Long nắm toàn bộ nội dung khoá học, và khi có chi tiết không rõ trong slide trình chiếu, trong khi kỹ thuật viên đang dò tìm google, anh ấy đã nói ngay được đường dẫn của nội dung đó, “khỏi tìm, cứ vào thẳng đây, là có” – luôn nhanh và sắc như vậy.

2. Đội ngũ không có chung văn hoá là đội ngũ dễ tan rã nhất

Bạn không thể làm lớn được nếu bạn một mình.

Nhưng nếu có nhiều mình mà không có bản sắc chung, thì bạn cũng không đi xa được.

Văn hoá doanh nghiệp/ bản sắc đội nhóm, là cách một nhóm lựa chọn và xử lý vấn đề kinh doanh, nó như là bộ Gen quyết định tính cách của cá thể.

Đội nhóm của Phạm Thành Long cực kỳ gắn kết, nhanh và đa nhiệm. Một đội ngũ chỉ 7-10 người handle một hội trường hơn 300 người. Khi có vấn đề phát sinh, họ giải quyết cực kỳ nhanh nhạy, không chần chừ, rất dứt khoát, người này hỗ trợ người kia trong nháy mắt và mọi thứ đều được giải quyết.

Khi có những lời chỉ trích, cũng chính họ đứng sát lại gần nhau, choàng tay nhau và cùng phản biện, nhìn cách họ tập hợp đông đảo như thế, cũng đủ khiến đối phương có chút lo ngại.

3. Thầy nào trò đó

Cá tính của người lãnh đạo mang tính quyết định, như xương sống chi phối đến toàn bộ hoạt động doanh nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên là Jim Colin trong “Good to Great” có đề cập một trong 5 yếu tố dẫn đến một công ty trường tồn, là sự có mặt của một lãnh đạo cấp 5.

Phạm Thành Long ngông, mạnh mẽ và quyết đoán. Và đội ngũ của anh ấy cũng y vậy. Tính cách của lãnh đạo như virus, lan truyền đến các nhân viên của mình. Nếu một tính cách tốt được lan toả, doanh nghiệp có lợi. Nếu một tính cách xấu được lây lan, doanh nghiệp sẽ bất ổn.

Tôi kết thúc khoá học sớm do…. địa điểm xa quá, đi một ngày về đuối thật sự. Tôi không tham dự 2 buổi còn lại, nhưng tôi tin sẽ có nhiều điều thú vị trong đó. Và tôi viết lại ở đây những quan sát của chính mình về cách Phạm Thành Long điều hành doanh nghiệp của mình.

Mình rất vui nếu bạn đọc đến đây và cứ thoải mái để lại bất kỳ bình luận nào để cùng giao lưu với nhau nha.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *