Mình rất thích quan sát và lý giải động lực mua hàng/ hành động của khách hàng cũng như mọi người xung quanh. Hồi 2016 có làm một research về chủ đề này, hồi đó hầu như chưa có một tài liệu bài bản, sau thì format như này xuất hiện rộng khắp :D. Như một thói quen khi nhìn thấy một hành vi nào đó, mình luôn đặt câu hỏi “tại sao họ làm vậy”. Trong các dự án, đặc biệt B2C, mình cực kỳ hứng thú khi phải liên tục hỏi và trả lời “tại sao khách mua hàng” hay “làm sao cho họ mua lại”.
Mình random note ở đây những quan sát mình thấy được. Có thể đúng có thể sai, vì hành vi cần được xem xét tại bối cảnh và thời điểm diễn ra.
1. Người giàu có nhiều kiểu giàu.
Khi nhắm đến đối tượng high-end, có một nhóm mà mình hay gọi là “nghèo tài sản giàu thu nhập”. Thường là nhóm những người đi làm trẻ, có công việc ổn định và thu nhập cao, và họ dùng gần như toàn bộ thu nhập để mua sắm. Nhóm này có hành vi khác với nhóm cùng hoàn cảnh nhưng có xu hướng dành phần lớn thu nhập có được để đầu tư cho tài sản (mua nhà/ đất đai/ chứng khoán).
2. Với mẹ bỉm, hãy lắp đầy khoảng trống cô đơn của họ :”>
Tài sản lớn nhất của các mẹ bỉm là thời gian, và năng lực lớn nhất của các mẹ bỉm là tám :))). Cứ xem các mẹ mà bắt gặp nhau thế nào cũng xúm lại kể chuyện các kiểu. Các mẹ ở nhà chăm con đầu xù tóc rối nên hay bị tủi thân, lại ít có cơ hội ra đường nên hay bị out of date. Hãy tạo ra một hội bàn tròn rôm rả và kéo họ vào, họ đang rất muốn được tâm tình và chia sẻ những suy nghĩ thầm kín đấy. Đặc biệt các mẹ ít khi nghe chuyện từ người khác, mà thích kể và khoe về con mình :)))
3. Giới trẻ bây giờ?
Bọn trẻ bây giờ xài như đám già đầu, còn đám già đâu lại sống như bọn trẻ :))) Nhỏ thì con người ta thích lớn lên, lớn rồi thì mong được bé lại khộ lắm.
4. Bình dân hay cao cấp
Mặc dù mọi người thích những thứ bình thường, nhưng lại sẵn sàng chi để sở hữu những thứ cao cấp
5. Ở trong đám đông vẫn an toàn hơn cô lập một mình
Mọi người có xu hướng mua những gì nhiều người khác muốn mua. Vậy nên đánh giá của bên thứ 3 là quan trọng. Số lượng nhiều càng tốt.
Một ví dụ cho hành vi này là trường hợp của xe Suzuki Vitara. Khi con xe nửa sedan nửa SUV này xuất hiện trên thị trường, nó thu hút nhóm khách hàng trẻ muốn cái gì đó cá tính và khác biệt với ngân sách không nhiều, chỉ tầm 800tr. Thế nhưng thực tế quá trình ra quyết định lại rất lâu bởi người ta sợ mình mua chiếc xe nửa vời, không ai biết. Hội Vịt Cỏ Vitara là một nhóm ra đời nhằm củng cố tinh thần này – nơi chia sẻ cho những người anh em đã mua, sắp mua hay muốn mua nhiều thông tin và góc nhìn khác, và là nơi để người ta thấy mình không hề lạc lõng, được thuộc về một cộng đồng/ nhóm nào đó.