Bài này được viết vào thời điểm mình nghĩ là mình cảm & sống đủ với chữ “mục tiêu”. Mình nghĩ là mình hiểu rõ về chữ này & cách ứng dụng nó trong suốt những năm 20 đến giờ. 20 tuổi, nó đơn giản ngắn gọn là việc lựa chọn một điều gì đó để phấn đấu đạt được, và mình gọi đó là mục tiêu. 30 tuổi, mục tiêu lại có vài ý nghĩa nhiều hơn thế:
1. Liên tục bước ra khỏi giới hạn còn quan trọng hơn việc đạt được mục tiêu.
Với nhiều người, mục tiêu có vẻ là điều gì đó kỷ luật quá, tham vọng quá, cứ để mọi việc tự nhiên diễn ra và không cần gò ép bản thân mình, kiểu chuyện gì đến sẽ đến. Nhưng với mình, việc có một mục tiêu là rất quan trọng. Nếu trong một khoảng thời gian dài 1-2 tuần không có một mục tiêu mới nào, mình sẽ tự thấy bản thân cực kỳ trì trệ và cũ kỹ.
Dù chỉ là việc nhỏ hoàn thành 1 kỹ năng mới, nghiên cứu 1 kiến thức mới, hoàn thành lời hứa với con,.. hay đến những mục tiêu lớn và dài hơn, mình luôn tự đặt ra và cho bản thân những mục tiêu như thế. Và quan trọng nhất là việc mình có thể sắp xếp & hoàn thiện được mục tiêu dù nhỏ dù lớn liên tục đẩy mình ra những giới hạn của bản thân. Liên tiếp như vậy, hằng ngày hàng tuần, đã khiến bản thân mình độc lập, tự tin, tự biết cách bổ sung những cột mốc khiến mình hạnh phúc mà không phụ thuộc vào những tác động bên ngoài hay từ người khác.
Mục đích sau cùng của mục tiêu, mình nghĩ không phải là việc đạt được cái này cái kia, mà chính là việc người ta có thể hoàn thiện & hạnh phúc với bản thân bằng việc áp dụng nó một cách thấu đáo nhất.
2. Để “đừng bỏ cuộc” thành một lựa chọn trong cuộc sống
Khó quá bỏ qua là đúng. Nhưng hãy bỏ qua những việc không mang lại giá trị hoặc không góp phần để bạn đạt được mục tiêu. Còn với những thứ đã xác định cần làm, thì làm tới cùng.
Có thể khi khó khăn, bỏ cuộc rồi thôi khoẻ thân, và nếu là những mục tiêu không viết ra hoặc không công khai, có thể chẳng ai biết bạn bỏ cuộc. Nhưng bản thân bạn thì biết!
Bạn có thể lựa chọn bỏ hoặc tiếp tục, nhưng đừng nạp cho bản thân mình những lần “dễ dãi” & rồi nó sẽ cũ kỹ vô cùng.