Trong những chuỗi dài những câu hỏi “tại sao” trong đầu mình, một trong số đó là “Tại sao Châu Âu chứ không phải Trung Quốc lại được xem là văn minh hơn”, “tại sao Việt Nam mình lại khác xa Mỹ” – những câu hỏi có vẻ dở hơi để thoã mãn được sự tò mò và hơn hết là để nghiệm suy ra những điều hiện diện trong cuộc sống.
Và câu hỏi đó đang mang mình đến với gần 700 trang sách của Súng, Vi Trùng và Thép :))) Lúc mua không nghĩ nó lại nhiều trang thể chỉ để giải quyết vài câu hỏi đơn giản. Càng đọc lại càng bất ngờ trước hành trình khai thác và kiến thức của tác giả, qua đó gợi ra rất nhiều suy ngẫm và góc nhìn mới, mà điển hình là:
- Trục Đông – Tây:
Hoá ra sự khác biệt giữa lục địa này với lục địa khác không phải bởi bản thân con người ở lục địa đó, mà bởi nó đã vô tình nằm đúng trên cái trục Đông – Tây đấy, để cả vùng đất không khác quá xa về môi trường khí hậu, để tạo điền kiện cho cây trồng, vật nuôi được thuần hoá và lan rộng.
Một khái niệm “trục Đông – Tây” đơn giản nhưng kết nối được rất nhiều dấu chấm và những câu hỏi còn bỏ ngõ. Cùng chung một vĩ tuyến nhưng vì Châu Âu “nằm ngang” trên trục Đông Tây nên nó đã phát hiển vượt trôi hơn Châu Phi “nằm dọc”.
Điều này khiến mình nghĩ đến khái niệm “product – market fit”. Một ý tưởng hay một sản phẩm một khi đã “market fit” – tức là nó đã nằm ở cái trục Đông – Tây mang lợi thế vô hình, dù chủ ý hay không thì nó vẫn sẽ phát triển. Nhưng khi đã lệch khỏi trục, thì dù cố gắng gấp nhiều lần vẫn không thể bắt kịp những biz “thuận tự nhiên”.
- Lương thực – Gia cầm gia súc đã là bàn đạp cho sự phát triển vượt trội
Sống trong thời điểm mà cái ăn không phải là cái lo lớn nhất, người ta quên mất rằng chính thặng dư lương thực, thuần hoá gia cầm chính là động lực để xã hội sống định cư, tích trữ của cải, phát triển nhà nước, xây dựng văn hoá, chinh phục các nước khác.
Điều này nhắc nhở mình đến tầm quan trọng của việc sản xuất ra sản phẩm hay của cái. Suy cho cùng chữ “product” luôn là bắt đầu của chuỗi 4Ps trong Marketing, dù người ta lại nói nhiều về chữ P cuối cùng là Promotion. Trong kinh doanh và marketing, sản phẩm vẫn luôn là lợi thế cạnh tranh lớn hơn cả.
- Cùng một trục “Đông – Tây” nhưng Châu Âu có nhiều phát minh hơn Trung Quốc
Một khi đã cùng lợi thế, nhưng Châu Âu lại được xem là văn minh hơn, hiện đại hơn là do chính môi trường địa lý phân mảnh – tức là mỗi nước lại cách nhau bởi núi hay sông hoặc nằm xa nhau, chứ không phải một khối thống nhất xuyên suốt như Trung Quốc. Sự cạnh tranh, phân mảnh đã dẫn đến việc đổi mới, đi lên và chính Châu Âu là châu lục đi chinh phục các châu lục khác (mà không phải Trung Quốc). Trung Quốc có tổ chức tập trung cho một mảnh đất quá lớn, dẫn đến những ý tưởng đột phá phải qua một “gate keeper” mà không được tự do phát triển và triển khai như ở Châu Âu (vốn phân mảnh, không phát triển chỗ này thì sẽ được phát triển chỗ khác).
Điều này gợi cho mình rất nhiều suy ngẫm trong việc tổ chức phòng ban đội nhóm trong tổ chức hay gia đình. Lơi lỏng quá thì lệch hướng, mà chặt quá thì hạn chế sự đổi mới. Cân bằng giữa “nhu – cương” và tạo môi trường để cạnh tranh, để cá nhân được phát huy chính là việc tạo ra lợi thế lâu dài.
Một cuốn sách đáng để đọc và cảm nhận.
bài này bạn viết hay quá, tuy ngắn vậy mà đã chứa nhiều thông tin hay
Cảm ơn bạn nha