Tình yêu hàng hiệu của người Châu Á

Mình tình cờ mua cuốn sách này khi đang mua cuốn “Hội chứng Uniqlo” và Tiki đã đề xuất tác phẩm “Mối tình của người Châu Á với hàng hiệu”.

Mình ngay lập tức thêm vào giỏ hàng mà không xem chi tiết nội dung có gì, đơn giản bản thân cái tên nó đã nói trúng tâm lý của chính bản thân mình.

Những năm 20 tuổi và đặc biệt khi bắt đầu đi làm có tiền, mình bị mê hàng hiệu, thứ tình yêu không cần lý do, chỉ biết bận hàng hiệu thì rất là…sướng và tự tin. Và rất may là tình yêu này bắt đầu giảm theo năm tháng, khi những cuốn sách mình đọc sau đó là “cha giàu cha nghèo” hay “nền giáo dục của người giàu”.

Và thật may là mình đã mua đọc cuốn này.

Nó là tổng hoà của những thứ mình thích và nghiên cứu: thời trang, tâm lý khách hàng, phân khúc thị trường, công thức hoá thực nghiệm và một chút showbiz drama của giới nhà giàu.

Xuyên suốt cuốn sách là những phân tích về tâm lý cũng như hành vi khách hàng của từng nước Châu Á: Nhật, Hongkong, Trung Quốc, Hàn Quốc,… Mình đặc biệt thích cách tiếp cận đi từ lịch sử văn hoá của mỗi nước để lý giải cho cách hành xử của người dân nước đó với hàng hiệu.


Chung quy, người ta (người Châu Á) sử dụng hàng hiệu để thể hiện địa vị của mình, đơn giản vì ở Châu Á, có địa vị thì phải cho người đời biết, và hàng hiệu chính là vật đánh dấu địa vị của họ. Ngoài ra, người ta còn dùng hàng hiệu để mua cho mình cảm giác tự tin. Chưa cần phải là phong cách, nhưng ít ra dùng hàng hiệu sẽ cho người ta cảm giác an toàn trong thứ vải vóc có thương hiệu.

Tác giả cũng nêu bật được các “reason to buy” rất đáng để nghiềm ngẫm: người ta mua hàng hiệu không phải chỉ để xài cho bản thân họ đâu, mà còn cho “guanxi”, mua cho nhân tình, đi du lịch mua làm quà. Marketing trong thời trang cần chỉ ra liên tục lý do khách hàng cần mua thêm sản phẩm.


Người dịch cũng rất khéo khi sử dụng những thuật ngữ và từ đồng nghĩa rất chi là fashionable và localize với tiếng Việt.

Được giới thiệu là cuốn sách về marketing, nhưng mình chưa thấy cụ thể chiến lược hay cách thức nào được viết ra ở đây. Chắc bí mật nhà nghề phải giấu quá.

Mặc dù cuốn sách được viết từ 2008 và đến bây giờ nhiều thứ đã thay đổi, nhưng cái cốt lõi về tâm lý, về động cơ, và về cách thức hàng hiệu xâm chiếm Châu Á chắc chắn còn giá trị đến tận bây giờ.

Mình bây giờ á?

Mình bây giờ lười mua sắm quần áo túi xách, thậm chí không có nhu cầu luôn, mình chỉ thích mua thêm nhà hay chung cư cho thuê ra được tiền mỗi tháng thôi :))))) mình để dành cho tài sản, rồi khi 40 tuổi mình rảnh rỗi ở nhà đi mua sắm đồ hiệu áo váy đồ cũng chưa muộn he he he.

Mình rất vui nếu bạn đọc đến đây và cứ thoải mái để lại bất kỳ bình luận nào để cùng giao lưu với nhau nha.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *